Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (Bài 1): “Vượt khó” nuôi con ăn học...
VHO - “Xây dựng xã hội học tập có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển và thịnh vượng của một quốc gia, mang lại hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình, dòng họ; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”... Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có nhiều đại diện dòng họ, gia đình tiêu biểu trong xây dựng xã hội học tập
Những gương sáng điển hình
Tới dự Hội thảo có đại diện gia đình họ Nguyễn (hộ bà Nguyễn Thị Thân) được UBND tỉnh Tiền Giang trao Bằng công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao Bằng khen Gia đình hiếu học tiêu biểu; dòng họ Nguyễn được Hội khuyến học địa phương công nhận là Dòng họ hiếu học.
Con trai bà Thân, anh Nguyễn Chí Định hiện là Phó Giám đốc Sở TT&TT Tiền Giang chia sẻ: “Ba tôi sinh ra từ ruộng đồng, dù học chưa hết lớp 5 trường làng nhưng biết quan tâm đến thời cuộc, biết tự đọc sách báo, tài liệu để tổ chức hoạt động sản xuất, nuôi dạy các con khôn lớn. Má tôi học chưa hết lớp 3, đọc và viết chữ chưa thành thạo nhưng sớm hiểu được giá trị của việc học. Sinh thời, ba má tôi luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học hành thật tốt. Sự truyền dạy của ba, má về đạo làm người, về giá trị của việc học, về định hướng nghề nghiệp để khẳng định bản thân đã thấm sâu vào nhận thức của anh em chúng tôi ngay từ thuở nhỏ. Nhận thức ấy lớn dần lên theo năm tháng, trở thành ý chí, hành động, quyết tâm mãnh liệt của 9 anh em khi phải mồ côi cha ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ba mất sau cơn bệnh hiểm nghèo, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu triền miên, mấy má con vừa làm lụng trên mảnh ruộng, luống rau của mình, vừa phải cày thuê cuốc mướn cho bà con làng trên xóm dưới để đủ tiền trang trải cho việc học. Dù là bà mẹ nghèo khó, nhưng má tôi biết đảm đang quán xuyến việc lao động sản xuất và việc học của các con, là hậu phương vững chắc để anh em chúng tôi học hành thành đạt”.
Một đời tần tảo với ruộng vườn, bà Thân đã nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt với 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 4 thạc sĩ, 3 cử nhân, trong đó có những người được giao giữ trọng trách quan trọng trong xã hội. Hiện bà đã có 8 cháu nội và 7 cháu ngoại. 4 năm nay được Nhà nước trợ cấp 360.000 đồng hằng tháng cho người cao tuổi, bà Thân dành trọn số tiền đó ủng hộ Quỹ khuyến học của gia đình. Cháu nào báo trúng tuyển đại học, lập tức được bà thưởng nóng 5.000.000 đồng. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm, là sự động viên, khích lệ của bà đối với việc học hành của con cháu.
Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng xúc động chia sẻ điều quan trọng nhất giúp 8 anh chị em của ông có được những thành công nhất định trong học tập và khoa học, đó chính là sự đoàn kết trong gia đình và sự gương mẫu của người đi trước. Bố ông, NGND Nguyễn Lân xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng bạc điền Mỹ Hào (Hưng Yên), được học hành nhờ sự cưu mang của một người anh họ. Ngay khi học phổ thông, NGND Nguyễn Lân đã được in cuốn tiểu thuyết Cậu bé nhà quê (theo nhà văn Nguyễn Khải thì đó là một trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, ra mắt cùng năm với tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách). Trong suốt cuộc đời, dù trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhưng ông chưa lúc nào thấy bố mẹ tỏ ra buồn phiền, nặng lời với nhau mà luôn tìm cách đảm bảo sức khỏe và sự học hành của các con, các cháu. Tất cả những điều đó đã giúp gia đình NGND Nguyễn Lân có được 7 tiến sĩ, 3 giáo sư và 3 phó giáo sư. Noi gương bố mẹ, vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng cũng luôn quan tâm tạo điều kiện cho con cháu về học hành và sức khỏe, nên thế hệ thứ hai có 3 phó giáo sư, 4 tiến sĩ; và nay thế hệ thứ ba đã có cháu đỗ vào Đại học Harvard (Mỹ).
Bảy người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): GS.TS Nguyễn Lân Tuất, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, PGS.TS Nguyễn Lân Tráng, GS.TS Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Trung
Mong muốn được chi thưởng “cạn” quỹ khuyến học...
Ban Khuyến học của dòng họ Nguyễn Xuân làng Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh là một trong những dòng họ tích cực trong hoạt động khuyến học với phương châm: Không sợ chi thưởng “cạn” quỹ, chỉ sợ không có con cháu xứng đáng được thưởng. Quỹ được xây dựng bằng nguồn ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm trong họ, từ 20 triệu lên mức trên 100 triệu đồng. Ban khuyến học của dòng họ luôn động viên tinh thần (cấp giấy khen), kết hợp với khuyến khích về vật chất (thưởng tiền) và việc tuyên dương, khen thưởng được tổ chức tại từ đường trước toàn thể gia tộc. Có rất nhiều những gương học tập được dòng họ biểu dương như: Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc được đi dự báo cáo ở nhiều hội nghị khoa học nước ngoài, năm 2022 được sang Mỹ 5 năm làm luận án Tiến sĩ. Cũng năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh được tạp chí Plosbyology của Mỹ xếp vào top 2% các nhà khoa học có ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học thế giới (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo)…
Trong 5 năm, từ 2017-2022, Quỹ Khuyến học - khuyến tài của Hội đồng Họ Dương tỉnh Bắc Giang đã vinh danh, khen thưởng cho 2.454 lượt đối tượng được thụ hưởng với tổng số tiền là 4 tỉ 304 triệu đồng; hỗ trợ 650 cháu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Riêng năm học 2021-2022 đã vinh danh, khen thưởng cho 505 cháu với tổng số tiền là 961 triệu đồng.
Truyền thống hiếu học và sự nỗ lực của các dòng họ, gia đình đã làm nên rất nhiều thành tích đáng ghi nhận. Hình thức khuyến học được triển khai đa dạng, phong phú, đơn cử như làng Xuân Dục (Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định) có dân số hơn 4.000 người, phần đông theo đạo Công giáo, trước đây nhiều gia đình có 4-5 con nhưng chỉ cho một vài con học hết lớp 3, 4. Năm 1994, Chi hội khuyến học của làng được thành lập, phối hợp với các trường nâng cao chất lượng học tập của con em trong giáo xứ. Năm 1997, Chi hội liên hệ với văn phòng UNESCO Việt Nam - Nhật Bản đã mở các lớp xóa mù chữ cho gần 200 em; lập dự án đề nghị Hiệp hội Anfan du Mê Kông của Pháp hằng năm tài trợ khoảng 200 triệu đồng; vận động nhiều tấm lòng nhân ái tham gia ủng hộ vào quỹ khuyến học... Hiện tại thôn đã có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, khoảng 300 em đang học ĐH, CĐ và gần 500 người đã tốt nghiệp THPT.
Tương tự, nhiều dòng họ ở Ninh Bình cũng đã có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ, động viên, giáo dục con cháu phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ, trở thành những người thành đạt, có ích cho gia đình và xã hội. Năm 2022, thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”, Ninh Bình có 1.801 dòng họ đăng ký, trong đó có 1.518 đạt tiêu chuẩn “Dòng họ học tập” theo tiêu chí mới (đạt tỷ lệ 63%). Nhiều dòng họ xây dựng quy ước riêng, yêu cầu các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học đều phải đến trường; người lớn phải thường xuyên học tập, không có người mù chữ; tạo điều kiện cho con cháu có góc học tập riêng, có sách vở, tài liệu, có phương tiện thông minh để phục vụ việc học...
Qua những gương điển hình về dòng họ, gia đình tại Hội thảo Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, có thể khẳng định, các dòng họ, gia đình đều coi sự học là linh hồn; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ xuyên suốt. Chính điều này đã hình thành nên nhân cách và văn hóa của các thế hệ sau trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ.
THÚY HIỀN
(Còn nữa)
"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"